
1. Dẫn độ là gì?
Thông thường, nếu một người phạm tội ở nước này và chạy sang nước kia trốn, thì nước này không thể chạy sang nước kia bắt người, cũng không thể yêu cầu nước kia bắt tội phạm bàn giao cho mình. Vì vậy có nhiều trường hợp tội phạm sau khi phạm pháp đã tìm cách “xuất ngoại” để không phải chịu hình phạt.
Một thỏa thuận dẫn độ giữa 2 nước sẽ cho phép nước này “dẫn độ” (bàn giao) tội phạm cho nước kia, chi tiết tùy vào sự thương thảo được kí kết.
Trong tiếng Anh, sự dẫn độ được gọi là “extradition”.
2. Các trường hợp dẫn độ nổi tiếng gần đây
Trường hợp điển hình là ông Julian Assange, người thành lập ra website nổi tiếng WikiLeaks. Vào năm 2010 Thụy Điển ra lệnh bắt giữ quốc tế với ông. Để tránh bị bắt, ông đã sang Anh rồi xin tị nạn ở Đại sứ quán Ecuador.
Tuy Thụy Điển có thỏa thuận dẫn độ với Anh nhưng lại không có với Ecuador nên là ông đã sống trong đại sứ một cách an toàn suốt 7 năm, cho tới khi họ…không cho nữa. Sau đó, ông bị cảnh sát Anh bắt giữ vào tháng 4 năm nay.
Một ví dụ khác gây “chấn động” dư luận gần đây là vụ bắt giữ bà Mạnh Văn Chu, con gái ông chủ Huawei. Trên cương vị là CFO (Giám đốc tài chính) của Huawei, bà bị Mỹ cáo buộc một số tội danh nghiêm trọng liên quan đến kinh doanh. Thế nhưng bà ấy ở Trung Quốc thì Mỹ không làm gì được do Mỹ và TQ không có thỏa thuận dẫn độ.
Trong một ngày không mấy đẹp trời tháng 12 năm 2018, bà Mạnh quá cảnh ở Canada để bay tiếp sang Mexico. Khi đặt chân đến sân bay Vancouver, bà đã nhanh chóng bị cảnh sát Canada tới bắt giữ theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ.
Hiện nay bà Mạnh đang sống ở một biệt thự triệu đô ở Vancouver, đeo thiết bị GPS để Canada giám sát. Có tiếp tục dẫn độ bà sang Mỹ xử lý hay không sẽ do phía Canada quyết định, dự kiến thủ tục có thể mất tới vài năm.