Muốn tiếng Anh giỏi đừng ỷ lại vào thầy cô

Muốn tiếng Anh giỏi đừng ỷ lại vào thầy cô
Photo: https://unsplash.com/@iamchang

Trước đây có 1 bạn hỏi mình là làm thế nào để học tiếng Anh khi lên đại học? Lúc đấy mình cũng hơi bất ngờ vì chưa thấy ai hỏi như thế bao giờ, nhưng khi nghĩ về nó, mình lại thấy đây là một vấn đề rất đáng lưu tâm. Theo ý mình hiểu “ở bậc đại học” nghĩa là giai đoạn bạn đã hoàn thành xong chương trình tiếng Anh bắt buộc ở bậc phổ thông, ở thời điểm này có tiếp tục học tiếng Anh nữa hay không là tùy bạn, học theo giáo trình nào, học với ai cũng tùy bạn lựa chọn. Không có một khuôn mẫu nào, không có các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết để đánh giá chúng ta nữa… mọi thứ tuy tự do nhưng lại khá mông lung và dễ mất tập trung, lâu dần ta bỏ cuộc.

Bản chất của câu hỏi học tiếng Anh ở bậc đại học như thế nào, theo mình là: làm sao để học tiếng Anh tốt hơn (hoặc ít nhất không mai một) khi nó không còn xuất hiện trên thời khóa biểu của bạn? Câu trả lời của mình là, càng sớm càng tốt, hãy luyện cho mình cách học tiếng Anh không phụ thuộc vào trường lớp, bỏ đi tư duy cái này thầy cô chưa dạy nên không cần học.

Hồi mình còn ngồi ghế nhà trường, đối với mình tiếng Anh cũng là 1 môn học như Toán, Văn, Lý, Hóa… vậy. Dạy cái gì thì học cái đấy, thi cái gì thì ôn cái đấy. Mình học tiếng Anh chăm chỉ lắm, nhưng không phải là để đọc hiểu được truyện Harry Potter bản nguyên gốc, cũng chẳng phải là để giao tiếp được với người nước ngoài mà là được điểm phẩy cao, để được học sinh giỏi.

Sau này mình nhận ra đây là lối suy nghĩ sai lầm khiến nhiều năm học tiếng Anh của mình thật lãng phí. Bởi vì mục đích học tiếng Anh được điểm cao, nên mình dành nhiều thời gian làm bài tập ngữ pháp, mình có thể dành cả buổi chiều làm 100 câu chia thì, 20 bài tập câu bị động, ngồi hùng hục khoanh trắc nghiệm, viết lại câu, làm đề cương. Học là nhiều nhưng hết năm lớp 10 và 11 tiếng Anh mình vẫn quanh quẩn như vậy, kiểm tra thì 8, 9 điểm đó nhưng mà mình không biết gì nhiều ngoài phạm vi SGK và quyển bài tập tiếng Anh. Hậu quả là, khi mình bắt đầu đọc báo tiếng Anh, mình đã bị ngợp sao thấy nó khó quá, não mình phải vận động quá nhiều, sao trên phim nói có hai ba câu mà nhanh thế, dùng những cụm từ mình không hiểu gì, nói chung là rất vất vả.

Lấy một ví dụ minh họa, một câu bài tập mình miệt mài làm có dạng thế này: 

Action films with big stars tend to _____ great public attention.
A. archive – B. show – C. attract – D. reach

(Trích đề thi THPT Quốc gia 2019)

Trong khi tiếng Anh sương sương trong 1 bài báo về Katy Perry trên mạng nó như này:

“Katy Perry, now heavily pregnant since announcing she was expecting in March, has appeared near-unrecognizable in Santa Barbara beach photos. The 35-year-old hitmaker and 13-time Grammy-nominee shocked viewers with her Memorial Day weekend outing, seen with shirtless fiancé Orlando Bloom.”

Tạm dịch: Katy Perry, hiện đang “chửa vượt mặt” (heavily pregnant) kể từ khi thông báo đang mang thai (expect) vào tháng 3, đã xuất hiện trong các bức ảnh bãi biển Santa Barbara với vẻ ngoài gần như không thể nhận ra (near-unrecognizable). Nữ nghệ sĩ chuyên tạo hit (hitmaker) 35 tuổi và được đề cử Grammy 13 lần gây sốc cho người xem với buổi đi chơi cuối tuần (weekend outing)  trong Ngày tưởng niệm của cô, được trông thấy đi cùng với vị hôn phu cởi trần (shirtless) Orlando Bloom.

Bạn thấy đó, trong một lối viết có hơi hướng làm câu chuyện thêm mặn như này, người viết đã chèn vào những từ có tính drama như kiểu “heavily” hay “near-unrecognizable”. Chỉ một mẩu tin con con của mấy tờ báo showbiz mà đã có rất nhiều từ vựng rồi, vậy mà hồi đó lúc mình còn cấp 2, đầu cấp 3, mình chả bao giờ chịu tìm tòi và đọc, chính bởi cái lối suy nghĩ: “thầy cô chưa dạy thì chưa cần học”. Mình cứ thế hoàn toàn ỷ lại vào thầy cô, vào sách vở, học một cách rất thụ động và máy móc. Nghĩ lại thấy tiếc ghê!  

Đừng hiểu lầm mình, sách giáo khoa là một nguồn học cực kì hữu ích, cung cấp rất nhiều từ vựng cần thiết nhưng theo mình vì nó được soạn cho tất cả học sinh cả nước, nên họ phải thiết kế sao cho chắt lọc nhất. Nếu bạn thực sự mong muốn tiếng Anh sẽ phục vụ cuộc sống của bạn, nếu bạn muốn tiếng Anh không còn là rào cản, thì bản thân bạn ngay từ khi còn đi học cấp 2, cấp 3, phải TỰ HỌC THÊM BÊN NGOÀI KIẾN THỨC SÁCH GIÁO KHOA, giống như học tự do vậy. Đối với mình, 8, 9 điểm kiểm tra trên lớp (có lẽ trừ trường chuyên lớp chọn) là cũng bình thường thôi bạn ạ, bạn phải cần học để hơn thế, cần phải có “tham vọng”, mục tiêu vượt ngoài những con điểm trên lớp.

Một số mục tiêu học tiếng Anh mình gợi ý là: 

  • Có thể đọc sách, đọc truyện trực tiếp bằng ngôn ngữ gốc. Thưởng thức câu chuyện nguyên bản không cần thông qua bản dịch (vốn khó có thể hay bằng bản gốc) 
  • Đi du lịch nước ngoài không gặp khó khăn gì trong việc giao tiếp, hỏi đường
  • Hiểu được các câu đùa, câu chơi chữ, câu châm ngôn trong tiếng Anh (vì khi dịch sang tiếng Việt nó có thể bị mất nghĩa)
  • Tha hồ xem phim, xem talkshow, xem vlog, xem thần tượng nói chuyện mà chả gặp khó khăn gì
  • Đi làm ở công ty đa quốc gia, các công ty có khách hàng, đối tác quốc tế
  • Dễ dàng lên mạng order hàng hóa nước ngoài, có gặp trục trặc có thể liên hệ shop cãi nhau tay đôi
  • Nhanh chóng cập nhật cái gì hot trên thế giới mà không cần chờ đợi có người dịch qua
  • Cho mình cảm giác tự tin, không bị mấy đứa biết tiếng Anh làm cho lép vế
  • Dễ dàng đọc hiểu tài liệu chuyên ngành
  • Kết bạn với bạn bè quốc tế

Kể sơ sơ thôi mà đã có hàng tá lí do để bạn phải học tốt tiếng Anh rồi. Khi bạn có mục đích, bạn sẽ không còn cần đến những con điểm để ép bạn học nữa, và cái cảm giác tiếng Anh của mình tiến bộ lên sẽ làm bạn cực kì thỏa mãn. Bài nói lảm nhảm đã dài, mình xin kết thúc ở đây, bài tiếp theo sẽ là những cách giúp các bạn tự học tiếng Anh, trả lời cho câu hỏi đặt ra ở đầu bài.


Link bài báo về Katy Perry: https://theblast.com/131649/heavily-pregnant-katy-perry-unrecognizable-in-floral-swimsuit-in

THẢO LUẬN