Vào ngày 30/06/2019, Scooter Braun và công ty Ithaca Holdings LLC của ông đã mua Hãng Big Machine Label Group của ông Scott Borchetta trong một thỏa thuận trị giá trên 300 triệu USD. Thông qua việc mua lại công ty của Borchettam, Braun cũng có quyền sở hữu các bản thu gốc của Taylor Swift được sản xuất khi cô còn ở hãng thu âm này.
Taylor Swift không hề vui về người sở hữu mới này, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao Taylor Swift không sở hữu bản quyền âm nhạc của cô ấy? Theo AWAL (một dịch vụ hỗ trợ các nghệ sĩ độc lập), nghệ sĩ âm nhạc khi kí thỏa thuận với hãng đĩa sẽ nhận một khoản tiền ứng trước để thu album và nhận tiền lợi nhuận sau khi nó phát hành.
Nhưng thỏa thuận sẽ luôn kèm theo ràng buộc. Hãng sẽ sở hữu toàn bộ bản quyền của tài sản lớn nhất: bản thu âm gốc. Bản thu âm gốc chính là bản được dùng để sao chép ra tất cả các bản sao. Mỗi khi bạn nghe trực tuyến hay tải về một bài hát, người sở hữu bản quyền bản thu gốc – thường là các hãng đĩa – sẽ được trả tiền đầu tiên. Sau đó công ty sẽ chia phần trăm tiền lợi nhuận cho nghệ sĩ.
Tại sao hầu hết các nghệ sĩ lại không thể sở hữu bản quyền âm nhạc họ tạo ra? Nhiều nghệ sĩ muốn âm nhạc của mình được quảng bá bởi các hãng thu âm tên tuổi, những người này có mối quan hệ và có thể cho các nghệ sĩ độc lập nhiều cơ hội mà họ không nhận được khi làm việc một mình. Khi nghệ sĩ đã thành công, họ có thể mua lại nhạc của chính mình. Tuy nhiên giá trị của tài sản âm nhạc lúc này có thể chạm ngưỡng cực kì khủng, khiến họ không thể mua nổi.
Vào năm 2015, Borchetta đang lăn tăn về việc rao bán hãng Big Machine. Nếu ông ấy bán lại cho Taylor quyền sở hữu bản thu gốc như cô ấy mong muốn, giá trị công ty sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng.
Sở hữu bản thu âm gốc là ưu tiên hàng đầu của Taylor. Đó cũng là điểm tắc nghẽn trong đàm phán tái tục hợp đồng với Big Machine. Nhưng theo như bài post gay gắt trên Tumblr của Taylor, đề nghị của Big Machine là Taylor sẽ từ từ đạt lại quyền sở hữu bản thu âm gốc bằng cách đưa một album mới để đổi lại một album cũ.
“Tôi đã từ chối vì tôi biết một khi tôi kí bản hợp đồng đó, Scott Borchetta sẽ bán hãng thu âm, đồng nghĩa bán cả tôi và tương lai của tôi”, cô nói. Về phần mình, Borchetta khẳng định thỏa thuận là kí tiếp 10 năm nữa với hãng.
Chuyện Taylor phải ràng buộc bản thân vào một bản hợp đồng khác để có lại âm nhạc mình đã tạo ra thật không công bằng. Và như thế chẳng có gì là ngạc nhiên khi Taylor rời hãng thu âm Big Machine. Cô ấy đã kí một hợp đồng mới với hãng Republic Records với điều kiện là kể từ đó trở về sau, cô ấy sẽ sở hữu bản thu âm gốc, bắt đầu từ Album Lover.
Có vẻ như Taylor và âm nhạc cũ của cô sẽ chẳng bao giờ quay về bên nhau nữa, nhưng cô ấy vẫn có một số lựa chọn dài hơi hơn. Luật Bản Quyền Mỹ năm 1976 cho phép nghệ sĩ chấm dứt chuyển nhượng bản quyền sau 35 năm kể từ ngày kí thỏa thuận bản quyền. Đây là một chặng đường dài để chờ đợi, nhưng cũng là một “cơ hội thứ hai” cho các nghệ sĩ lấy bản quyền sở hữu âm nhạc của chính mình.
DANH SÁCH TỪ VỰNG


Credits:
https://www.bustle.com/p/why-doesnt-taylor-swift-own-the-rights-to-her-music-its-actually-more-common-than-you-think-18159717
https://edition.cnn.com/2019/07/01/business/taylor-swift-rights-trnd/index.html